Trang chủ Liên hệ

Vì sao Apple bất ngờ thay đổi chính sách tự sửa chữa iPhone, MacBook?

Nguyễn Văn Thành 02/12/2021

Nhắc tới đồ Apple thì ít khi nào chúng ta nghĩ đến việc dễ sửa, hay tự sửa chữa. Nhưng mới đây Apple đã thông báo sẽ bán linh kiện để người dùng tự sửa iPhone và MacBook, bắt đầu từ các đời máy mới nhất trở đi. Đây là một động thái cực kì đáng ngạc nhiên đến từ một công ty bảo thủ về chuyện tự sửa máy như Apple. Vì sao lại thế?
 
Nathan Proctor, một giám đốc cấp cao của chiến dịch Right to Repair đến từ Public Interest Research Groups (PIRG), nói rằng “sự kết hợp giữa áp lực từ người dùng, từ cơ quan lập pháp cũng như từ cổ đông đã thay đổi suy nghĩ của Apple”. Ngoài ra cũng có áp lực từ chính nội bộ công ty khi mà có những email rò rỉ từ năm 2019 đề cập đến chuyện nhiều nhân viên cũng không thích cách Apple “giam cầm” máy cần sửa chữa như cách họ đang làm. Những nhân viên này lo lắng Apple đang không làm đúng.

Apple cũng đã thực hiện một vài động thái khác cho thấy rằng họ phải thay đổi để tránh những rắc rối liên quan đến chính phủ. Năm 2020, Apple cho phép người dùng được chọn trình duyệt khác làm mặc định trên iPhone và iPad, còn Siri thì học được sở thích của bạn ở nhiều app khác nhau chứ không chỉ cho Apple Music. Nếu Apple không sớm tỏ ra hợp tác, họ có thể bị điều tra, bị chỉ trích, và điều này có thể đem tới nhiều phiền toái hơn so với việc cho người dùng làm cái họ muốn.

Bên cạnh đó, cũng có thể Apple chỉ đơn giản là chịu lắng nghe người dùng hơn. Mấy con MacBook Pro mới đã thực dụng hơn bao giờ hết, chúng được bổ sung lại các cổng kết nối mà chính Apple từng bỏ đi, nó cũng không còn Touch Bar mà chuyển về lại hàng phím Fn truyền thống. Công ty chấp nhận hi sinh thiết kế, trọng lượng để tạo ra một con máy “Pro” với hiệu năng cao. Chuyện tương tự có thể đang diễn ra với cách mà công ty cho phép người dùng sửa máy của mình.

Thực ra trước đây Apple từng công bố chương trình bán linh kiện sửa chữa cho các cửa hàng bên thứ 3 rồi, miễn là cửa hàng đó đạt được chứng nhận của Apple. Có khả năng động thái lần này là một phần mở rộng của chương trình này.

Apple cũng nói rằng việc tự đặt linh kiện về sửa chữa chỉ nên được thực hiện bởi những cá nhân có kinh nghiệm và kiến thức kĩ thuật. Những người dùng thông thường vẫn nên mang máy đến các trung tâm bảo hành chính thức khi cần sửa chữa, thay thế.


 
Nước đi này của Apple là đáng khen, nhưng Proctor và PIRG nói rằng Apple sẽ cần cố gắng hơn nữa và mở rộng hơn nữa để thực sự đem lại “quyền được sửa chữa” như cách mà người ta đang đòi hỏi. “Với chúng tôi, chỉ mở thị trường cho việc sửa chữa là chưa đủ. Nếu Apple làm việc này nhiều năm trước, có thể chúng tôi đã dịu lại, nhưng giờ chúng tôi có động lực, và chúng tôi sẽ khuyến khích việc sửa chữa càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ rằng những nhà lập pháp sẽ đồng ý với chúng tôi: đây chỉ là một công ty, và một chương trình mà thôi. Sàn được nâng rồi, nhưng còn lâu lắm mới chạm tới trần nhà”.

iFixit cũng nhìn nhận tương tự. “Apple dẫn đầu trong việc sử dụng pin dán bằng keo và các con ốc độc quyền, giờ họ đi bước đầu tiên vào con đường tạo ra các sản phẩm có thể sửa chữa được, và có thể sống lâu. iFixit tin rằng việc này là bền vững, việc sửa chữa trong thế giới công nghệ là có thể diễn ra, và hi vọng Apple sẽ làm tiếp những gì họ cam kết”.

Về phía Apple, họ cũng nói đây chỉ mới là bước đi đầu tiên. Apple cho biết hiện tại họ tập trung vào những module thường được sửa chữa trên iPhone 12 và iPhone 13, ví dụ màn hình, pin, camera, còn trong tương lai thì sẽ có thêm nhiều thứ khác nữa. Nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện mở nắp lưng điện thoại ra thay pin như cách ngày xưa người ta thường làm với điện thoại rồi.

Apple cũng là hình mẫu để các công ty khác đi theo. Proctor nghĩ rằng các công ty sẽ theo chân chương trình này của Apple. Mới đây Google cũng đưa ra một phần mềm cho phép cân chỉnh lại màn hình của Pixel 6 sau khi thay thế để đảm bảo cảm biến vân tay hoạt động tốt.

Bài viết liên quan