Apple đã nộp đơn kháng cáo, cho rằng phán quyết của toà án có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và mong muốn hoãn thi hành lệnh.
Trong đơn, Apple yêu cầu trì hoãn lệnh rằng nhà phát triển có thể thêm các liên kết trong ứng dụng dẫn đến trang web thanh toán không phải của Apple.
Nếu được duyệt, App Store có thể không phải điều chỉnh chính sách thu phí cho đến khi các kháng nghị kết thúc - quá trình dự kiến có thể kéo dài nhiều năm. Có nghĩa, các nhà phát triển vẫn phải tiếp tục dùng phương thức thanh toán của Apple và công ty sẽ thu phí 15-30% cho mỗi giao dịch.
Trước đó, vào tháng 9, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers yêu cầu Apple dỡ bỏ các hạn chế trong phương thức thanh toán của các ứng dụng trên App Store. Ngoài ra, hãng không được phép ngăn cấm các nhà phát triển hướng người dùng đến các phương thức thanh toán khác thay thế. Các lập trình viên sẽ có quyền sử dụng phương thức thanh toán riêng. Nếu không có gì thay đổi, Apple buộc điều chỉnh chính sách trong App Store trước ngày 9/12.
Apple cho biết trong hồ sơ kháng cáo rằng việc tuân thủ lệnh trên có thể gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Thanh toán qua App Store cho phép hãng bảo vệ người tiêu dùng và nền tảng của mình. Apple đang tìm cách điều trần với thẩm phán Gonzalez Rogers vào đầu tháng 11 để hoãn thi hành lệnh do các quy trình pháp lý để kháng án có thể kéo dài khoảng một năm.
Trong khi đó, Epic Games cũng đang kiến nghị về kết luận của thẩm phán rằng Apple đã không vi phạm luật chống độc quyền thông qua các quy tắc thanh toán của mình.
Gần đây, Apple đã đồng ý nới lỏng quy tắc về kết nối giữa các nhà phát triển và người dùng như một phần thỏa thuận với các nhà phát triển đang kiện mình và cơ quan quản lý chống độc quyền của Nhật Bản. Hãng cũng bắt đầu thảo luận các giải pháp để đáp ứng yêu cầu của thẩm phán Gonzalez Rogers về việc người tiêu dùng sẽ được cung cấp thông tin nhiều hơn. Apple vẫn loại game Fortnite khỏi App Store cho đến khi hoàn thành kháng cáo.