Trang chủ Liên hệ

Chipset M1 mạnh đến vậy, tại sao Apple không (chưa) mang nó lên iPhone?

Hoàng Vân Anh 07/09/2021

Apple được cho là sẽ ra mắt dòng iPhone 13 mới vào ngày 14/09, đến nay đã có khá nhiều thông tin rò rỉ liên quan đến chiếc máy này tuy nhiên con chip xử lý của nó thì vẫn là một ẩn số và thu hút được nhiều sự bàn luận của giới công nghệ.

“Táo khuyết” đang dần trang bị con chip M1 dựa trên kiến trúc ARM trên hầu hết các sản phẩm máy tính của họ, thay thế cho thế hệ chipset Intel Core i trước đó. Sức mạnh của con chip Apple Sillicon này là rất ấn tượng và nó cũng mang lại thời lượng pin sử dụng tốt hơn cho các máy Mac so với phiên bản tiền nhiệm dùng CPU của Intel.

Tháng 4 vừa rồi, Apple tiếp tục khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng khi mang chipset M1 lên dòng iPad Pro 2021 của họ tại sự kiện Spring Loaded và biến iPad Pro trở thành chiếc máy tính bảng thương mại mạnh mẽ nhất hiện nay. Nhiều đồn đoán rằng “Táo khuyết” có thể sẽ mang con chip “khủng long” này lên chiếc iPhone 13 sắp ra mắt vào giữa tháng này, liệu điều đó có khả thi hay không?

Apple M1 mạnh hơn Apple A14 hiện tại?

Điều này là không thể chối cãi, M1 không những mạnh hơn mà còn mạnh hơn rất nhiều. Chipset Apple A14 Bionic và M1 có rất nhiều điểm tương đồng, chúng đều sử dụng kiến trúc ARM và được sản xuất trên tiến trình 5 nm của TSMC. Tuy nhiên, Apple M1 được thiết kế cho thiết bị có kích thước lớn, nhiều không gian kèm giới hạn nhiệt độ thoải mái hơn nên có nhiều điều chỉnh để đem lại hiệu năng cao hơn.

  Apple A14 Bionic Apple M1
Tiến trình 5 nm 5 nm
Số lượng bóng bán dẫn 11,8 tỷ 16 tỷ
Kích thước 88 mm2 120,5 mm2
Số lượng nhân xử lý 2 x 3.1 GHz FireStorm + 4 x 1.8 GHz IceStorm 4 x 3.2 GHz Firestorm + 4 x 2 GHz IceStorm
L2 Cache 8 MB 12 MB
GPU 4 nhân 8 nhân
NPU 16 nhân 16 nhân
Giao diện bộ nhớ 64-bit LPDDR4X (4 kênh) 128-bit LPDDR4X (8 kênh)
TDP 6 W 15 W

Bên trong Apple A14 và M1 đều sử dụng 2 loại nhân CPU: nhân hiệu năng cao được Apple đặt tên mã FireStorm, nhân tiết kiệm điện là IceStorm. Đây là hai nhân xử lý được Apple tự thiết kế dựa trên kiến trúc của ARMv8, không dùng lại nhân Cortex như nhiều nhà sản xuất chip khác hiện nay. Việc tự kiểm soát và thiết kế nhân CPU giúp Apple tạo ra một con chip tối ưu tốt hơn cho thiết bị của mình, chạy theo đúng những tính năng họ muốn, hỗ trợ đúng mức hiệu năng mà họ mong muốn.

Cụ thể hơn, nhìn vào hình ảnh chụp cắt lớp của 2 con chip này, dễ dàng thấy Apple M1 có kích thước to hơn so với A14, con số chính xác là khoảng 1,37 lần. Điều này bởi vì M1 được trang bị nhiều nhân CPU và GPU hơn A14, bộ nhớ đệm L2 của nó cũng lớn hơn và giao diện giao tiếp với RAM cũng nhiều hơn. Ngoài ra, Apple M1 còn tích nhiều thành phần mà A14 không có, đơn cử như chip bảo mật Apple T2, các bộ điều khiển các cổng kết nối cũng như hỗ trợ các giao tiếp dùng cho máy tính như PCIe.

Apple cũng dùng số lượng bóng bán dẫn nhiều gấp 2,1 lần để làm ra số nhân CPU và GPU trên Apple M1. GPU của M1 cũng có diện tích lớn gấp đôi so với GPU trên A14, điều này thể hiện sự ưu tiên của Apple với nền tảng máy tính để giúp chúng đạt hiệu năng đồ họa tốt hơn.

Trong khi đó, trên con chip Apple M1 còn được tích hợp bộ xử lý hình ảnh, bộ kiểm soát Thuderbolt 4 của riêng Apple, cũng như giao diện để điều khiển bộ nhớ, các cổng kết nối như Display Port và USB.

Ngoài ra, còn ít nhất 1/3 phân vùng trên con chip mà chúng ta chưa thể xác định được chức năng của nó. Các nhà phân tích cho rằng M1 còn nhiều thành phần ở các khu vực này để giúp SoC xử lý các tác vụ cụ thể của MacOS hoặc giúp nó chạy nhanh hơn và tối ưu sử dụng năng lượng tốt hơn.

Tóm lại hệ thống trên chip M1 của Apple là sự cải tiến của A14 Bionic với nhiều tối ưu hóa được thiết kế đặc biệt cho các máy tính xách tay cũng như máy tính để bàn nhỏ gọn. Nhìn chung, M1 gần như sẽ cho hiệu năng ít nhất gấp đôi ở những tác vụ thông thường và hiệu suất xử lý đồ họa.

Tất cả những điều này đến từ kích thước khuôn lớn hơn 37% so với Apple A14 của M1. Thêm nữa là M1 không cần phải tiết kiệm năng lượng như A14 kèm với xung nhịp cao hơn và nhiều tinh chỉnh tối ưu hóa khác, vậy nên hiệu suất thực tế của nó có thể còn cách biệt rõ ràng hơn.

Tại sao Apple chưa mang M1 lên iPhone?

Với sức mạnh khủng khiếp mà M1 mang lại thì hầu hết chung ta đều ao ước là Apple sẽ mang nó lên những chiếc iPhone để chúng có hiệu năng xử lý ưu việt hơn nữa. Tuy nhiên, hẳn là sẽ có nhiều khó khăn và toan tính từ Apple khiến họ vẫn chưa hoặc không mang dòng chip này lên những chiếc iPhone mới.

Đầu tiên phải kế đến là vấn đề về kích thước, với việc con chip M1 có diện tích lớn hơn A14 đến 37% nếu Apple thực sự muốn mang nó lên iPhone, họ sẽ phải thiết kế lại mainboard, sắp xếp lại các thành phần trên bo mạch hoặc “Táo khuyết” có thể chọn giải pháp làm con chip M1 nhỏ lại, đi đôi với việc giảm hiệu năng của nó.

Apple iPhone là một trong những điện thoại được đánh giá là có mainboard đẹp và gọn gàng nhất trong thế giới smartphone, vậy nên việc thiết kế lại mainboard để nhét vừa chipset M1 có vẻ sẽ không gây nhiều khó khăn cho họ. Tuy nhiên nếu phải kết hợp thêm vấn đề giảm hiệu năng, có lẽ tiếp tục phát triển dòng chip A sẽ hướng đi tối ưu hơn cho “Táo khuyết”.

Mainboard iPhone 12 Pro Max, chipset A14 và M1

Vấn đề thứ hai vô cùng nan giải mà Apple cần phải giải quyết đó là tản nhiệt. Apple A14 có công suất tỏa nhiệt (TDP) là 6 W, trong khi đó trên M1 là 15 W, gần gấp gấp 3 lần so với A14. Dòng iPhone 12 gần đây luôn bị người dùng phàn nàn về vấn đề kiểm soát nhiệt quá kém, máy dễ dàng bị nóng lên chỉ sau vài chục phút chơi game liên tục.

Trong khi đó, các thiết bị được trang bị chip M1 như iPad Pro, Macbook có kích thước lớn hơn iPhone rất nhiều, giúp nó có nhiều không gian hơn để tản nhiệt. Nếu mang nguyên bản con chip M1 lên iPhone, khả năng iPhone của bạn sẽ có đủ độ nhiệt độ để dễ dàng thực hiện món trứng “ốp la”.

Thời lượng pin sử dụng dụng cũng cần được nhắc đến, các mẫu iPhone thường có dung lượng pin khá ít nếu đặt cạnh các mẫu smartphone có dung lượng lên đến 5000 mAh, 6000 mAh từ các đối thủ Android. Mặc dù, iPhone 12 Pro Max vẫn có thời lượng pin sử dụng khá ấn tượng, nhưng những mẫu như 12 hay đặc biệt là 12 mini thì thật là thảm họa. Tích hợp thêm chipset M1 với GPU cực khủng của nó, tôi không chắc rằng những chiếc iPhone liệu có thể trụ được nửa ngày sử dụng.

Cuối cùng, Apple luôn rất “ma mãnh” trong các chiến lược kinh doanh của họ. Chipset M1 xuất hiện trên iPad đã tạo nên một cú huých lớn và hiệu ứng marketing rất tốt cho nhà Táo, nhưng nếu họ tiếp tục mang nó lên iPhone có thể sẽ là “con dao hai lưỡi”. Điểm tích cực đó là Apple sẽ một hệ thống thiết bị đồng bộ, họ có thể phát triển phần mềm cho chúng dễ dàng hơn và iPhone 13 sẽ có hiệu năng cực đỉnh kéo theo khả năng mang lại nguồn doanh số khổng lồ cho Apple. Mặt trái của nó là khách hàng sẽ khá phân vân về khác biệt sức mạnh giữa các thiết bị của “Táo khuyết”, M1 trên iPhone cũng là quá mạnh và dư thừa, Apple sẽ phải làm nhiều hơn trong các năm tiếp theo để vượt qua chính cái bóng mà họ tạo nên. “Táo khuyết” sẽ chẳng dại gì lại tự đạp lên chân của họ.

Tạm kết

Apple M1 là một con chip tuyệt vời và đột phá, nó thể hiện khả năng nghiên cứu và sáng tạo mạnh mẽ từ “Táo khuyết”. Chúng ta hầu hết đều mong muốn những thứ tốt đẹp này trên chiếc iPhone của mình, những việc mang M1 lên iPhone hiện tại vẫn còn tồn tại đó nhiều “trở ngại”. Dòng iPhone 13 nhiều khả năng sẽ được trang bị con chip A15 mới, tuy nhiên cũng không có gì chắc chắn là Apple sẽ không mang những con chip M series lên iPhone trong tương lai. Bạn có nghĩ rằng Apple sẽ mang con chip M1 này lên iPhone 13 sắp ra mắt hay không, hãy cho chúng tôi biết ý kiến bên dưới nhé!

Bài viết liên quan